Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra đã trở thành động lực cho thương mại điện tử của thế giới cũng như Việt Nam ngày càng phát triển. Góp phần vào đó còn phải kể đến sự tác động của đại dịch Covid-19 làm thay đổi đáng kể thói quen và hành vi mua sắm của người tiêu dùng.
Trong những năm gần đây, thị trường thương mại điện tử Việt Nam (TMĐT) ngày càng được mở rộng và hiện đã trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được doanh nghiệp, người dân biết đến. Sự đa dạng về mô hình hoạt động, về đối tượng tham gia, về quy trình hoạt động và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ với sự hỗ trợ của hạ tầng Internet và ứng dụng công nghệ hiện đại đã đưa TMĐT trở thành trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số của quốc gia.
Mặc dù đại dịch Covid-19 gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực, thương mại điện tử Việt Nam vẫn có những bước tăng tốc mạnh mẽ, trở thành một trong những thị trường TMĐT tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam, năm 2020, tốc độ tăng trưởng của TMĐT đạt mức 18%, quy mô đạt 11,8 tỷ USD và là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng TMĐT 2 con số.
Năm 2020, ước tính số lượng người mua sắm trực tuyến tại VN đạt 49.3 triệu người, giá trị mua sắm trực tuyến đạt 11.9 tỉ USD. Tỷ lệ người dân sử dụng Internet đạt 70% trên tổng dân số.
Quy mô nền kinh tế số Việt Nam được dự đoán vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.
Tỷ lệ người mua sắm trực tuyến mới tại Việt Nam đạt 41%, giữ vị trí cao nhất trong số các quốc gia tại Đông Nam Á và cao hơn mức trung bình của Đông Nam Á tới 5%.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, thị trường TMĐT càng trở nên sôi động hơn và việc ứng dụng công nghệ số trở thành phương án hữu hiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn mang đến cơ hội từ nhu cầu mới phát sinh của thị trường. Thói quen mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam tại thị trường nội địa cũng dần dịch chuyển từ mua hàng truyền thống sang hình thức mua hàng online thông qua phương tiện điện tử.
Trong top 10 website TMĐT có số lượng truy cập nhiều nhất Đông Nam Á, có sự góp mặt của Thế giới di động, Tiki, Sendo, Bách hóa xanh, FPT Shop đều là các thương hiệu có độ phủ sóng rất mạnh tại Việt Nam.
Có thể thấy rằng, TMĐT giúp người tiêu dùng mua sắm tại các thị trường quốc tế và trở thành “người tiêu dùng toàn cầu”, đồng thời, giúp cho doanh nghiệp dễ dàng giới thiệu và bán sản phẩm của mình đến tay khách hàng quốc tế. Bên cạnh đó, việc tham gia vào hệ thống xuất khẩu, nhập khẩu trực tuyến, các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam giao lưu, cọ xát thực tế để hoàn thiện sản phẩm của mình, nâng cao năng lực doanh nghiệp và giá trị chất lượng hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam, đưa thương hiệu hàng Việt đến tay người tiêu dùng nhiều thị trường trên thế giới.
Nguồn: Sưu tầm