Với việc gia nhập các hiệp định thương mại trong những năm gần đây, ngành logistics Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào những trung tâm giao dịch vận tải thế giới. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy, đây là thị trường nhiều tiềm năng nên đã đua nhau đổ vốn tại Việt Nam để cạnh tranh thị phần.
"Ồ ạt" dòng vốn ngoại
Tham gia thị trường logistics Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không... Trong đó, có khoảng 25 doanh nghiệp đa quốc gia đầu tư hoạt động logistics tại Việt Nam, chiếm đến 70 - 80% thị phần. Các nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào thị trường logistics tại Việt Nam nhiều nhất phải kể đến là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Pháp…
Trong đó, vốn từ các doanh nghiệp Nhật đổ vào lĩnh vực logistics Việt Nam từ khá sớm, đánh dấu bằng sự kiện Vijaco (công ty con của VIMC) cùng 5 đối tác Nhật là Kanematsu, Suzue, Meiko Trans, Kamigumi và Honda Trading bắt tay thành lập liên doanh (năm 1994). Từ đó đến nay, thị trường tiếp tục ghi nhận những thương vụ vốn Nhật đổ vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam.
Riêng ULP, doanh nghiệp logistics hàng đầu tại Hàn Quốc, với mạng lưới khách hàng là các hãng lớn (Samsung, Hyundai, LG, Sony, Canon, Foxconn, Doosan, Korea Power; Hyundai, CJ, HTNS, Lotte, Pantos, KGL, Damco, Schenker, Kerry…) cũng đã ký kết với Công ty Cổ phần Dịch vụ Sân bay (ASG) tham gia cung cấp dịch vụ logistics đối với hàng hóa có yêu cầu đặc biệt.
Tiềm năng tăng trưởng
Theo thống kê của Hiệp hội Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14%-16%, với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Thị trường logisitcs tại Việt Nam được đánh giá cao, đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái.
Theo dự báo, đến hết năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt mức 300 tỷ USD, hàng container qua hệ thống cảng biển Việt Nam đạt 67,7 triệu TEU. Vào năm 2025, ngành logistics Việt Nam sẽ chiếm 8 - 10% tổng GDP. Với con số trên, nhiều chuyên gia nhận định, thị trường logistics tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ còn sôi động hơn nữa. Đặc biệt, thời gian gần đây đã có sự bùng nổ về thương mại điện tử và e-Logistics.
Với tiềm năng thị trường logictics, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, kỳ vọng sẽ nâng tỷ lệ đóng góp của ngành dịch vụ logistics tại TP Hồ Chí Minh lên mức 8% - 10% GDP, tăng trưởng 15% - 10%; đồng thời hình thành được dịch vụ logistics chuyên nghiệp, giúp nâng tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics lên mức 50% - 60%, góp phần giảm chi phí logistics của Việt Nam xuống còn 16% GDP vào năm 2025.
Tuy nhiên, theo ông Pieter Pennings, Giám đốc tư vấn của CEL Consulting, với sức ép từ các nhà đầu tư ngoại, doanh nghiệp Việt kinh doanh ngành logistics đang chịu áp lực cạnh tranh cao do đa phần cung cấp dịch vụ nhỏ lẻ, tiềm lực còn yếu. Ngoài ra, vì thị trường quá phân mảnh nên không hiếm trường hợp để có mối làm ăn, nhiều doanh nghiệp phải chịu kinh doanh với mức giá gần như hòa vốn. Đó là chưa kể, chất lượng dịch vụ giữa doanh nghiệp logistics Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài rất chênh lệch, nên nhiều tập đoàn lớn vẫn lựa chọn sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp nước ngoài.
Trước vấn đề này, ông Nguyễn Tương, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cho rằng để cạnh tranh sòng phẳng trên sân nhà, ngành logistics Việt phải nỗ lực hơn nữa trong công cuộc điều hành, quản lý đơn hàng, đặc biệt là sự hỗ trợ từ Chính phủ để có một lộ trình cải cách cụ thể giúp logistics phát triển.
Theo Báo Tin Tức