Hậu cần ngược (Reverse logistics)

13.10.2022

Chúng ta thường quen với các hoạt động Logistics theo chiều thuận từ sản xuất cho tới tiêu dùng, Vậy Logistics ngược - Reverse Logistics là gì? Cùng ALS tìm hiểu thông qua bài viết chi tiết sau đây.

I. Khái niệm Reverse Logistics là gì?

Logistics ngược hay Reverse Logistics (Hậu cần ngược) là quá trình lên kế hoạch, thực hiện và kiểm soát việc đưa nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm hay thông tin từ nơi tiêu thu về nơi sản xuất với mục tiêu thu hồi hoặc xử lý lại.

Ví dụ về Reverse Logistics dễ thấy như: các hãng xe lớn thu hồi hàng loạt các xe mà họ đã đưa ra thị trường do các sự cố kỹ thuật, hay các hãng điện tử thu hồi các sản phẩm điện thoại do lỗi phần mềm, lỗi pin, … Tất cả sẽ được thu hồi lại về nhà sản xuất để xử lý, khắc phục những sự cố và gửi lại cho người tiêu dùng phiên bản hoàn thiện nhất.

II. Ý nghĩa của hoạt động Reverse Logistics?

Reverse Logistics trong thời đại ngày nay đang dần trở thành một tiêu chuẩn quan trọng trong chiến lược quản lý chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp.

Cùng với sự phát triển nhanh và mạnh của các sản phẩm công nghệ, nhu cầu tiêu dùng của khách hàng biến đổi theo từng ngày, … kéo theo đó là vòng đời sản phẩm trở nên ngắn hơn. Các công ty cần liên tục đưa ra những thay đổi, nâng cấp công nghệ mới để thu hút khách hàng và đạt được các mục tiêu kinh doanh nhanh chóng. 

Chính những điều này khiến cho các hoạt động Reverse Logistics diễn ra ngày càng nhiều hơn. Điều này cũng dễ hiểu, khi thời gian phát triển, thử nghiệm sản phẩm đang ngày càng ít đi, kéo theo đó có những lỗi phát sinh tiềm ẩn mà khi đưa vào thực tế, được cộng đồng người dùng đông đảo trải nghiệm, các doanh nghiệp mới nắm bắt được.

Khi tình trạng trên trở nên phổ biến, để đảm bảo sự hài lòng của khách hàng, các doanh nghiệp cần có chiến lược Reverse Logistics nhanh chóng. Các kế hoạch cần được xây dựng không chỉ cho hiện tại mà còn cho cả tương lai.

Chúng ta cũng có thể tham khảo một số khảo sát về hoạt động Reverse Logistics trên thế giới để thấy được vai trò ngày càng quan trọng của loại hình Logistics này trong quá trình quản lý, giám sát chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Theo đó:

- Tổng chi phí Reverse Logistics đang chiếm tới 0,5 – 1% tổng GDP của Hoa Kỳ, tương đương với giá trị khoảng gần 143 tỷ USD.

- Tỷ lệ thu hồi hàng hóa bán lẻ trên nền tảng Internet trung bình chiếm khoảng 6.3% tổng sản lượng hàng hóa (có thể khác nhau với từng loại sản phẩm và thời gian nhất định).

- Xu hướng người dùng cho thấy trên 90% khách hàng thích được đảm bảo nhu cầu trả lại sản phẩm (nếu không ưng ý), 54% cho rằng việc không cho phép đổi trả hàng hóa sẽ là rào cản khó khăn cho việc mua hàng từ nhà cung cấp.

- Chi phí để thu hồi hàng khi đã xuất khẩu ra thị trường nước ngoài cao hơn gấp 2 – 3 lần chi phí thu hồi hàng trong nội địa

Tất cả những thông số trên cho thấy Reverse Logistics đang trở thành một nhân tố không thể thiếu được trong kế hoạch quản lý chuỗi cung ứng hoàn hảo của doanh nghiệp.

III. So sánh giữa quá trình Logistics thông thường vs Reverse Logistics?

Để có thể thấy rõ hơn sự khác biệt giữa quá trình Logistics thông thường và Logistics ngược (Reverse Logistics), chúng ta có thể phân tích một số yếu tố dưới đây:

Tiêu chí

Quá trình Logistics thông thường

Logistics ngược  (Reverse Logistics)

Dự báo về nhu cầuKhả năng dự báo tương đối đơn giản theo các mô hình truyền thôngRất khó dự đoán do các trường hợp cần Reverse Logistics có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng lại với tỷ lệ nhỏ
Hành trìnhThông thường các sản phẩm sẽ được chuyển xuôi từ một địa điểm đến nhiều địa điểm phân phối/tiêu thụCác sản phẩm sẽ được tổng hợp từ rất nhiều địa chỉ khác nhau và chuyển trả về địa điểm sản xuất ban đầu
Chất lượng sản phẩmCác sản phẩm được thiết kế đồng nhất, cùng tiêu chuẩn, bao bì đóng gói giống nhau để đưa ra thị trườngCác sản phẩm thu hồi sẽ có tình trạng sử dụng khác nhau do hoàn cảnh sử dụng khác nhau (của mỗi cá nhân), bao bì sản phẩm thường không còn nguyên trạng, hư hỏng hoặc đã bị thất lạc
Mức giáĐồng nhất cho mọi sản phẩmGiá sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau
Tốc độLà ưu tiên hàng đầuLà yếu tố quan trọng
Chi phíĐược kiểm soát chủ độngCác doanh nghiệp thường khó kiểm soát và thấy được chi phí này
Tuyên bố sở hữuQuy định về trách nhiệm và sở hữu vật chất rõ rangThường phát sinh các mẫu thuẫn về sở hữu và trách nhiệm vật chất

IV. Quy trình thực hiện Reverse Logistics?

Chúng ta có thể tóm gọn quá trình Reverse Logistics thông qua 4 bước cơ bản dưới đây:

* Bước 1: Tập hợp

Đây là quá trình triển khai các hoạt động thu hồi các sản phẩm “có điều kiện” về nơi tập kết – địa điểm phục hồi. Điều kiện thu hồi ở đây khá đa dạng như: thu hồi các sản phẩm lỗi, không bán được, các sản phẩm hỏng, thiếu bao bì, …

* Bước 2: Kiểm tra

Tại điểm thu hồi, doanh nghiệp sẽ tiến hành phân loại, chọn lọc và kiểm tra chất lượng các sản phẩm thu hồi.

* Bước 3: Xử lý

Ở bước này, những sản phẩm sau khi kiểm tra chất lượng sẽ tiếp tục được phân nhóm để có hướng xử lý tiếp theo. Tại đây, sản phẩm có thể được:

- Phục hồi lại (sửa, làm mới, sản xuất lại, …)

- Tái sử dụng hoặc bán lại

- Tiêu hủy & xử lý rác thải

* Bước 4: Phân phối lại

Các sản phẩm sau khi được phục hồi sẽ được đưa trở lại thị trường và giao đến tay người sử dụng.

Hy vọng bài viết trên đã giúp cho bạn đọc hiểu thêm về Reverse Logistics là gì. Đây là một khái niệm đặc thù, khá hưu ích và đang có xu hướng được đề cập đến nhiều trong thời gian gần đây. Nếu cần thêm các thông tin chi tiết về các hoạt động Reverse Logistics hay muốn tư vấn thêm về dịch vụ có liên quan, đừng ngần ngại, hãy liên hệ ngay với đội ngũ chuyên gia của ALS để nhận được hỗ trợ sớm nhất.

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS