Ngành Hải quan cần tiên phong chuyển đổi số

11.11.2023

Hội nghị và Triển lãm Công nghệ 2023 của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) đã mở ra cơ hội cho các cơ quan chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp để tiếp cận với những tiến bộ và đổi mới trong quá trình chuyển đổi số cũng như ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực hải quan, nhằm tăng cường sự thuận lợi trong thương mại. Sự kiện này đã đặt nền móng cho việc tìm hiểu lẫn nhau, khuyến khích sự chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác giữa các cơ quan hải quan và các tổ chức liên quan. Đồng thời hướng tới mục tiêu chuyển đổi số và hiện đại hóa trong ngành hải quan.

Là cơ hội để tạo ra nhiều sự thay đổi lớn 

Trong lễ khai mạc của sự kiện do Tổng cục Hải quan đăng cai, Tổng Thư ký WCO, Kunio Mikuriya đã nhấn mạnh tác động mạnh mẽ của đại dịch COVID-19 đến toàn cầu trong những năm qua. Cũng như nêu bật vai trò trọng yếu của các cơ quan hải quan trong việc duy trì chuỗi cung ứng thương mại xuyên biên giới. Ông chỉ ra rằng, chuyển đổi số và công nghệ đã và đang tạo ra những thay đổi lớn trên phạm vi toàn cầu.

Sự kiện là cơ hội để các cơ quan hải quan, cơ quan liên quan và doanh nghiệp công nghệ cùng với các đối tác hải quan được WCO mời, gặp gỡ và trao đổi về công nghệ. Qua đó, các cơ quan hải quan thành viên có thể xác định nhu cầu của mình để tích hợp thành tựu khoa học vào hoạt động hàng ngày. Việc áp dụng công nghệ tiên tiến không chỉ góp phần quan trọng vào việc bảo vệ xã hội mà còn hỗ trợ hiệu quả trong việc thông quan hàng hóa, qua đó hỗ trợ chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp công nghệ cũng đã đưa ra nhiều giải pháp hữu ích để cải thiện hiệu quả hoạt động của cơ quan hải quan.

Đánh giá về tầm quan trọng của Hội nghị và Triển lãm Công nghệ 2023 của WCO đối với Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Nguyễn Văn Thọ chia sẻ, đây là sự kiện ý nghĩa giúp các cơ quan Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt được xu hướng và thành tựu chuyển đổi số. Từ đó cùng nhau xây dựng và chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình chuyển đổi số và hiện đại hóa ngành hải quan.

Công nghệ hỗ trợ tạo thuận lợi thương mại, quản lý hải quan

Cũng trong khuôn khổ Triển lãm, nhiều tập đoàn và công ty công nghệ hàng đầu đã tham gia và giới thiệu loạt giải pháp công nghệ tiên tiến dành cho ngành hải quan và thương mại. Các giải pháp bao gồm công nghệ chuỗi khối áp dụng trong vận tải và thương mại từ Cargo X; công nghệ thông tin cung ứng của Crimson Logic và Geodis; hệ thống cơ chế một cửa từ GUUD International; ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào phát triển thương mại từ Webb Fontaine.

Về quản lý hải quan, giới thiệu các thiết bị soi chiếu tiên tiến từ S2 Global, Rapiscan, và Smiths Detection; hệ thống niêm phong điện tử với cảm biến định vị từ Ascent Solutions Pte; sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích thông tin hàng hóa từ Publican; công nghệ AI chống hàng giả từ Counter Check; giải pháp an ninh và kiểm tra từ NucTech; giải pháp chống buôn lậu và gian lận thương mại từ Leidos; cải thiện quản lý rủi ro và tăng cường tuân thủ từ Cargoes và GTS; ứng dụng khoa học dữ liệu từ Nexyte; và phần mềm cải thiện chất lượng dịch vụ hải quan từ Microsoft.

Trong phiên toàn thể "Công nghệ hỗ trợ tạo thuận lợi thương mại trong kỷ nguyên số: Các bài học thành công", Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, Phạm Duyên Phương, đã chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ trong việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và Cơ chế một cửa ASEAN (ASW). Đồng thời nhấn mạnh việc kết nối ASW là bước tiến quan trọng để thúc đẩy thuận lợi thương mại, góp phần vào việc quản lý hiệu quả hải quan và đảm bảo an ninh, an toàn cộng đồng. Việc thực hiện và kết nối Cơ chế một cửa đã giúp rút ngắn thời gian thông quan và giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Việt Nam hiện duy trì kết nối chính thức ASW để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN, cùng với việc phối hợp trao đổi tờ khai Hải quan ASEAN. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang chuẩn bị kết nối thử nghiệm trao đổi chứng nhận kiểm dịch thực vật trong năm 2023 và phát triển giải pháp, lộ trình trao đổi chứng từ điện tử giữa ASEAN và các đối tác quốc tế như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. 

Việt Nam cũng đã hoàn thành trao đổi thử nghiệm tờ khai hải quan xuất khẩu với Liên minh Kinh tế Á - Âu và tiếp tục mở rộng kết nối quốc tế. Đáng chú ý nhất là việc ký kết Biên bản ghi nhớ về hệ thống trao đổi dữ liệu xuất xứ điện tử (EODES) với Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan Hàn Quốc nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn trong thực thi Hiệp định Thương mại tự do. Việc trao đổi thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc hiện đang được hoàn thiện về mặt kỹ thuật, thể hiện cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong việc mở rộng và cải thiện hợp tác quốc tế, tăng cường hiệu quả quản lý hải quan, đảm bảo an ninh và an toàn cho cộng đồng doanh nghiệp. 

Nguồn: https://baophapluat.vn/nganh-hai-quan-can-tien-phong-chuyen-doi-so-bai-3-can-su-dong-hanh-trong-tien-trinh-chuyen-doi-so-hien-dai-hoa-hai-quan-post491618.html 

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS