Một cửa quốc gia và giám sát tự động tại sân bay quốc tế Nội Bài

11.06.2020

Sân bay quốc tế Nội Bài đã được Tổng cục Hải quan lựa chọn để triển khai thí điểm Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không, đồng thời triển khai Hệ thống quản lý, giám sát tự động và Cục Hải quan Hà Nội được chỉ định là đơn vị đầu tiên triển khai. Sau quá trình triển khai thí điểm và từng bước hoàn thiện hệ thống đã làm thay đổi căn bản phương thức quản lý.

Mô hình kết nối Cơ chế một cửa Quốc gia tại Sân bay Quốc tế Nội Bài

1. Phối hợp chặt chẽ giúp hiện thực hóa mục tiêu

Theo Cục Hải quan Hà Nội, đơn vị đang hoàn thành các bước chuẩn bị cuối cùng để sẵn sàng triển khai chính thức Hệ thống một cửa quốc gia và Hệ thống quản lý, giám sát tự động tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài theo Nghị định 59/2018/NĐ-CP và Thông tư 39/2018/TT-BTC.

Đánh giá về quá trình này, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội Trần Quốc Định cho biết, sau một quá trình triển khai thí điểm và từng bước hoàn thiện hệ thống, Cục Hải quan Hà Nội đang phối hợp với các cơ quan thuộc Tổng cục Hải quan và đơn vị có liên quan chuẩn bị để triển khai chính thức Hệ thống một cửa quốc gia đường hàng không và Hệ thống quản lý, giám sát tự động đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài.

“Đến nay, 100% hãng hàng không đã gửi thông tin tới Cổng thông tin một cửa quốc gia theo quy định. Tỷ lệ thiết lập tự động thông tin hàng hóa dự kiến xếp dỡ đưa qua khu vực giám sát ổn định và đạt trên 95%. Tỷ lệ hàng hóa được quản lý, giám sát qua hệ thống đạt 99,9%. Còn lại được giám sát thủ công khi hệ thống gặp sự cố. Như vậy, hệ thống đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra để tiến tới triển khai chính thức tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài”- Phó Cục trưởng Trần Quốc Định nói. Ông Định cũng đồng thời nhấn mạnh, quá trình triển khai Hệ thống một cửa quốc gia và Hệ thống quản lý, giám sát tự động hải quan tại sân bay Nội Bài là thay đổi căn bản phương thức quản lý từ thủ công sang điện tử, dựa trên việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và áp dụng các chuẩn mực quốc tế.

Cụ thể, với việc triển khai thí điểm Hệ thống một cửa quốc gia đường hàng không và Hệ thống quản lý, giám sát tự động đáp ứng mục tiêu thay đổi phương thức quản lý từ thủ công sang phương thức quản lý trên dữ liệu điện tử, đảm bảo kết nối thông tin giữa 3 khâu trước thông quan, trong thông quan và khâu đưa hàng qua khu vực giám sát. Hệ thống CNTT đồng bộ tạo nên môi trường làm việc điện tử, doanh nghiệp có thể tương tác với hệ thống mọi lúc, mọi nơi. Kiểm soát, theo dõi hàng hóa đưa vào, đưa ra và tồn đọng của kho hàng không. Đặc biệt, cơ chế quản lý rủi ro sẽ được áp dụng xuyên suốt quá trình quản lý, giám sát hàng hóa để qua đó, kiểm soát, theo dõi được việc khai báo các chỉ tiêu thông tin của các hãng hàng không.

Với mục tiêu này, lãnh đạo Cục Hải quan Hà Nội cho biết việc hoàn thiện và đưa Hệ thống một cửa quốc gia đường hàng không và Hệ thống quản lý, giám sát tự động vào triển khai chính thức tại Nội Bài có ý nghĩa to lớn, khẳng định quyết tâm của ngành Hải quan tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách, hiện đại hóa và ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong các lĩnh vực công tác của Cục Hải quan Hà Nội. Đây cũng sẽ là tiền đề để ngành Hải quan triển khai mở rộng đồng bộ tại các cảng hàng không trên toàn quốc.

Theo ông Trần Quốc Định, việc triển khai Hệ thống sẽ đem lại cho cơ quan Hải quan nhiều lợi ích. Trong đó, quan trọng nhất là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về Hải quan tại Cảng hàng không quốc tế, đặc biệt là trong quản lý, theo dõi, giám sát hàng hóa đưa vào, đưa ra, tồn đọng của kho hàng không và hoàn toàn được thực hiện tự động trên hệ thống. Qua đó giảm thời gian và khối lượng công việc cho công chức hải quan. Cùng một thời gian, công chức hải quan có thể làm được công việc nhiều hơn, hiệu quả hơn. Hơn nữa, hệ thống CNTT đồng bộ tạo nên môi trường làm việc điện tử, doanh nghiệp có thể tương tác với hệ thống mọi lúc, mọi nơi.

Chia sẻ về quá trình phối hợp triển khai với cơ quan Hải quan, ông Lê Thanh Bình- Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhà ga hàng hoá ALS (ALSC) cho rằng, đây rõ ràng là con đường phải đi và điều này đúng với chủ trương, quan điểm của Chính phủ. “Quan điểm của Chính phủ rất rõ ràng là đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt các khâu trung gian. Với việc triển khai Hệ thống một cửa quốc gia đường hàng không và Hệ thống quản lý, giám sát tự động chính là hiện thực hóa chủ trương đó, hơn nữa việc ứng dụng công nghệ, số hóa cũng là xu hướng chung”- ông Lê Thanh Bình nhấn mạnh.

2. Ý nghĩa đối với các bên

Để đạt được kết quả, kho hàng không đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan Hải quan trong việc triển khai. Từ năm 2017, Công ty Cổ phần Nhà ga hàng hoá ALS (ALSC) đã nỗ lực xây dựng hệ thống và triển khai các nội dung công việc liên quan để đáp ứng các điều kiện của hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động đối với hàng hóa XNK. Với mục tiêu nhanh hơn, minh bạch hơn, ít giấy tờ hơn và trên cơ sở thông tin cơ quan Hải quan cho phép trao đổi trực tuyến trên phầm mềm, Công ty Cổ phần Nhà ga hàng hoá ALS (ALSC) đã tuân thủ chính xác việc đưa hàng hóa ra/vào kho, tiếp nhận và trả hàng nhanh chóng cho khách hàng. Đồng thời sự cải tiến này đã góp phần quan trọng để các doanh nghiệp có điều kiện cắt giảm chi phí nhân công, thời gian đi lại để giải quyết các thủ tục đưa hàng ra, vào khu vực Cảng.

Ở góc độ doanh nghiệp XNK, ông Mai Văn Thành– Phó Tổng Giám đốc Công ty Samurai Global Logistics cho biết, việc triển khai hệ thống giúp doanh nghiệp giảm thiểu thời gian và chi phí trong việc hoàn tất các thủ tục thông quan XNK. Theo đó, đầu tiên là giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại, chi phí lưu kho bãi của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không phải sử dụng chứng từ giấy để xuất trình với cơ quan Hải quan như trước đây, mà hiện nay được điện tử hóa trên hệ thống qua đó thông tin được trao đổi, xử lý nhanh chóng và chính xác.

Theo Báo Hải quan Online (ALS)

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS