Logistics Việt Nam chưa tận dụng lợi thế sân nhà khi tham gia FTA

28.09.2022

Hiện tại, Việt Nam đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới – đây chính là một điều kiện thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu sang nhiều thị trường đồng thời giúp đẩy nhanh nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics và tạo ra triển vọng lớn về thị trường cũng như cơ hội phát triển lĩnh vực logistics. Tuy nhiên, để làm được tốt nhất vấn đề này, đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) logistics Việt Nam cần có thêm động lực cũng như các giải pháp giúp nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ logistics và phục vụ tối ưu nhất cho nhu cầu giao thương xuất nhập khẩu và giữ vững vị trí sân nhà lợi thế trong quá trình thực thi các FTA.

Logistics chủ yếu vẫn là hoạt động giao nhận, xử lý thủ tục

Vấn đề này cũng được đặt ra tại Tọa đàm: “Giải pháp thúc đẩy ngành logistics tận dụng cơ hội từ EVFTA” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 22/9, ông Lê Hoành Khánh Nhựt, Tổng giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng đã có những nhìn nhận vô cùng thực tế đối với ngành logistics hiện nay vẫn đang chiếm chi phí tương đối lớn trong cấu thành giá trị sản phẩm. Đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn như năm 2021, mức chi phí logistics đã có mức tăng nhanh chóng lên hàng chục lần – điều này tạo ra những khó khăn trực tiếp đối với các DN sản xuất trong việc cân đối các chi phí sản xuất kinh doanh khác để doanh nghiệp có thể tồn tại và có lợi nhuận.

Source: VOV

Cũng trong buổi Tọa đàm, các đại biểu tham dự cũng cho rằng cần có thêm những động lực cùng những giải pháp hữu hiệu để góp phần nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ của các DN logistics Việt Nam.

Trên thực tế, để tham gia vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu đã và đang là vấn đề vô cùng khó khăn và thách thức lớn đối với những DN Việt Nam. Theo ông Mai Trần Thuật - Giám đốc cung ứng của Bee Logistics Group cho biết: Tận dụng lợi thế từ các Hiệp định tự do FTA, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải lựa chọn những giải pháp mang tính “đi trước đón đầu”, hợp tác làm đại lý, làm nhà thầu phụ đối với các hãng logistics lớn, từ đó dần từng bức gia tăng sự hiện diện của DN trên thị trường.

Nhận xét về năng lực cũng như tiềm năng của các DN logistics Việt Nam, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, các DN logistics Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn hoạt động trong lĩnh vực giao - nhận, xử lý thủ tục hành chính để có thể giúp cho các DN xuất khẩu thực hiện công đoạn xuất khẩu ra khỏi Việt Nam. Những sự tương quan giữa các DN logistics Việt Nam và EU đang còn nhiều điểm chưa phù hợp cần có sự đổi mới, thay đổi nhanh chóng vào thời gian tới.

Cơ hội cho hợp tác, liên doanh liên kết rộng mở

Quyết định 200 của Chính phủ về kế hoạch hành động phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của dịch vụ logistics đến năm 2025, Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành cũng như các địa phương thời gian qua đã có những kế hoạch cụ thể để triển khai và hỗ trợ cho các DN logistics trong giai đoạn hiện tại. Bởi lẽ các DN logistics có sự đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động thương mại phát triển bền vững.

Đặc biệt, logistics Việt Nam hiện đang có rất nhiều những cơ hội phát triển khi hạ tầng giao thông với các tuyến cao tốc mới, những cảng biển và sân bay được đầu tư mạnh mẽ. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh và quá trình hỗ trợ cho DN logistics tiếp cận được với trình độ quốc tế, đây chính là những điều kiện thuận lợi giúp DN logistics tại Việt Nam có đủ sức đủ tầm vươn ra những thị trường ở bên ngoài ngày càng rộng mở.

Để ngành logistics nói chung và các DN logistics nói riêng có năng lực thực sự, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong hợp tác kinh tế quốc tế, đại diện các DN cho rằng, ngoài việc hỗ trợ về mặt chính sách từ phía Chính phủ và Bộ Công Thương, bản thân các DN cũng phải tự thân vận động với những giải pháp hiệu quả, cải tiến từ trong nội bộ DN.

Theo quan điểm của ông Thuật, các DN logistics hiện nay cần có sự đầu tư chú trọng và công nghệ phần mềm với những hệ thống tự động hóa đề từng bước bắt kịp và đáp ứng được những yêu cầu đến từ những tập đoàn logistics lớn trên thế giới. Ngoài ra, cải tiến và chuẩn hóa quy trình về nghiệp vụ là đòi hỏi cấp thiết trong chính nội bộ của các DN logistics hiện nay.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) chỉ ra các lợi thế cho DN logistics Việt Nam. “Các DN logistics trên thế giới, đặc biệt là các DN đến từ EU dù lớn và mạnh đến đâu họ cũng không thể nào thực hiện trọn vẹn tất cả các quy trình của dịch vụ logistics, nên đây sẽ mở ra cơ hội lớn về việc làm cho các DN logistics Việt Nam. Ngoài quy định chỉ cho phép DN logistics nước ngoài liên doanh 50% với DN trong nước, Việt Nam ngày càng có thêm ưu thế về đường bộ, đường sắt và cảng biển,… những yếu tố này sẽ mở ra nhiều cơ hội rất lớn cho các DN logistics Việt Nam trong liên doanh, liên kết và tham gia chuỗi hoạt động với các DN logistics của nước ngoài”, ông Khanh gợi mở.

Source: https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/logistics-viet-nam-chua-tan-dung-loi-the-san-nha-khi-tham-gia-fta-post957543.vov

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS