Logistics 2020 - Điểm sáng lớn trên bản đồ kinh tế Việt Nam

15.04.2020

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp cùng với đó là những thách thức lớn mà ngành Logistics phải đối mặt trong năm 2020 song ngành vẫn đặt kỳ vọng tăng trưởng đạt mức doanh thu 113.32 tỷ USD vào năm 2022, với tốc độ CARG là 16.56%.

2019 với những tăng trưởng vượt bậc

Theo Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành Logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14% – 16%. Chi phí logistics so với GDP của Việt Nam cũng khá cao so với thế giới, chiếm gần 20.9% GDP của cả nước, có quy mô 20 – 22 tỷ USD/ năm.

Tỷ lệ % chi phí Logistic trong GDP của Việt Nam so với các khu vực, 2017 – 2018

Tham gia thị trường Logistics gồm khoảng trên 4,000 doanh nghiệp tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay, 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam với các tên tuổi lớn như: DHL, FedEx, Maersk Logistics, APL Logistics, CJ Logistics, KMTC Logistics…

Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Nhìn lại năm 2019 vừa qua, Logistics đang là 1 trong những ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và ổn định của Việt Nam.

Sự bùng nổ của đại dịch

Đầu năm 2020, dịch Covid-19 xuất hiện đã có những tác động mạnh mẽ lên các ngành kinh tế: ngân hàng, dịch vụ, du lịch, bất động sản, … đặc biệt đối với ngành thương mại, với việc các nước đóng cửa biên và dừng hoạt động bay của các hãng hàng không nên cũng phải dừng việc xuất nhập khẩu, thương mại biên giới, thương mại nội địa với nước ngoài, …

Các hoạt động logistics từ đó cũng bị ảnh hưởng trực tiếp. Theo khảo sát của VLA, có đến 15% doanh nghiệp bị sụt giảm 50% doanh thu, hơn 50% doanh nghiệp bị giảm số lượng dịch vụ logistics trong nước và giảm từ 10% – 30% số lượng dịch vụ logistics quốc tế so với cùng kỳ năm 2019.

Tỷ trọng vận tải hàng hóa qua các loại hình vận tải, 2018 – 2019

Vận tải hàng hoá năm 2019 không biến động nhiều và tương đối ổn định qua các năm. Cụ thể đạt 1,684.1 triệu tấn, tăng 9.7% so với năm trước. Vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng lớn nhất. Hiện tại các tuyến biên giới được kiểm tra gắt gao, lượng hàng hóa được xuất nhập khẩu giảm đáng kể, để đảm bảo an toàn mùa dịch.

Tiếp đến là đường thủy nội địa, đường biển. Vận chuyển đường sắt và đường hàng không chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Các tuyến tàu chủ yếu là từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản ít được hoạt động trong thời gian phòng chống dịch bệnh, ảnh hưởng đến lịch xuất hàng, kế hoạch kinh doanh của khách hàng, gây mất uy tín cho công ty cung cấp dịch vụ. Thêm vào đó các hãng hàng không cũng đang dừng hoạt động bay, tất cả các chuyến đều bị hủy không bay đến và bay về từ vùng dịch.

Do diễn biến phức tạp của dịch nên đến hiện nay, các ngành công nghiệp như dệt may, da giày,… thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất, đồng thời cũng không tìm được đầu ra ở khách hàng trước đây. Số khác vì phải tạm ngưng hoạt động nên lượng hàng hóa cần lưu chuyển ít đi dẫn đến việc vận chuyển và giao nhận hàng hóa trong chuỗi cung ứng giảm, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải logistics. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng bị giảm nguồn thu đáng kể đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu từ các nước có dịch như Trung Quốc, Hàn Quốc, Châu Âu, Mỹ, …

Tiềm năng “vàng” giữa làn sóng đại dịch

Mặc dù dịch bệnh gây ra nhiều khó khăn, cản trở cho sự phát triển của ngành Logistics và các doanh nghiệp logistics. Nhưng theo đánh giá của VIRAC, sau dịch là thời cơ tốt để ngành đẩy mạnh tăng trưởng. Bởi sau dịch là lúc các doanh nghiệp đẩy nhanh sản xuất bù đắp khoảng thời gian nghỉ dịch.

Phải kể đến nhất là xu hướng mua bán và sáp nhập (M&A) đầy tiềm năng. Thương mại điện tử phát triển tích cực với những tên tuổi lớn như Amazon, Lazada, Shopee,… Ngành Logistics cũng đầu tư nguồn lực để hoàn thiện cơ sở vật chất, giảm thiểu việc thao tác thủ công, có những hướng đi đúng đắn, phát triển bền vững, sáng tạo và phát triển dựa trên IoT( Internet of things). Nâng cao năng lực cho các cụm cảng hàng không, cảng biển và các bãi chuyển tải tại các cửa khẩu biên giới.

Ngoài ra, Chính phủ rà soát các loại thuế, phí, có các giải pháp hỗ trợ giảm chi phí vận tải như giảm giá BOT, phí cầu đường, bến bãi, phí lưu giữ phương tiện, thuế với nhiên liệu bay… Tăng tiến độ và thời gian cấp giấy phép chuyên ngành, giảm bớt thời gian thông quan và kiểm hóa tại cảng để giải phóng hàng tránh phí lưu kho bãi.

Theo viracresearch.com - ALSW

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS