Iphone có thể được sản xuất chính thức tại Việt Nam

01.08.2019

 Đầu tháng 8, các nhà đàm phán của Mỹ và Trung Quốc đã có các cuộc họp tại Thượng Hải để tìm kiếm giải pháp cho cuộc chiến thương mại căng thẳng giữa hai quốc gia. Đối với những thương hiệu lớn của Mỹ, thì tình hình này khiến cho việc đầu tư hạ tầng sản xuất tại Trung Quốc trở nên rủi ro hơn rất nhiều. Riêng đối với mặt hàng smartphone, máy chơi game và các thiết bị điện tử khác có nguy cơ cao nằm trong nhóm áp thuế tiếp theo của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất thiết bị điện tử đang cần một thị trường nhân công rẻ, hấp dẫn và ít rủi ro hơn.

     Việt Nam được nhận định là thị trường tiềm năng nhất đối với nhóm doanh nghiệp này. Minh chứng là Apple đang xem xét Việt Nam và Ấn Độ là các điểm đến tiếp theo trong quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng dịch vụ. Tháng 1/2019, Foxconn thông báo đã mua quyền sử dụng đất tại Việt Nam và chi 200 triệu USD cho một công ty sản xuất tại Ấn Độ. Các đối tác khác của Apple tại Đài Loan và Trung Quốc cũng đang xem xét khả năng tăng cường hoạt động tại Việt Nam.

     Tuy nhiên, để trở thành trung tâm sản xuất cho Mỹ, Việt Nam cần phải tính toán về nguy cơ thiếu hụt lao động, thị trường cung cấp nguyên vật liệu, chất lượng nguyên phụ liệu, bởi Việt Nam cũng không có nhiều các công ty sản xuất và cung ứng linh kiện, bộ phận và vật liệu chuyên dụng như chuỗi cung ứng tại Trung Quốc và nguồn nhân lực cũng không dồi dào như Trung Quốc.

     Hơn một thập kỷ trước, Samsung Electronics, “gã khổng lồ” Hàn Quốc, đã xây dựng một nhà máy ở Bắc Ninh để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Động thái này đã được dự đoán trước, bởi chi phí tại Trung Quốc đã liên tục tăng và doanh số của Samsung đã bị giảm sút sau khi Bắc Kinh kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Hàn Quốc khi Seoul đạt được thỏa thuận đặt hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ vào năm 2017. Samsung sau đó đã đóng tất cả và chỉ giữ lại một nhà máy smartphone của họ tại Trung Quốc. Hiện tại môt nửa số smartphone trên toàn cầu của Samsung đã được lắp ráp tại Việt Nam. Các công ty con của Samsung tại Việt Nam chiếm tỉ trọng doanh thu gần 1/3 trong tổng doanh thu 220 tỷ USD toàn tập đoàn năm ngoái.

     Phát ngôn viên của Samsung cho biết khoảng 90% số lượng hàng hóa được vận chuyển từ Việt Nam đến các nước khác, riêng hàng hóa của Samsung đã chiếm 1/4 giá trị xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2018. Tập đoàn này hiện có 35 nhà cung ứng, trong đó có Công ty TNHH ALS Bắc Ninh và Công ty TNHH MTV ALS Thái Nguyên hiện đang nằm trong chuỗi cung ứng dịch vụ trực tiếp của Samsung tại Việt Nam. Thành công của Samsung tại Việt Nam là cơ sở tiền đề cho các doanh nghiệp nước ngoài khác mạnh dạn đầu tư vào Việt Nam.

Như vậy, nếu iPhone chuyển nhà máy sang lắp đặt tại Việt Nam, thì đó là một cơ hội vàng đối với các doanh nghiệp trong nước khi mà cả Samsung và Apple cùng sản xuất tại Việt Nam, dịch vụ logistics, xuất nhập khẩu cũng theo đó mà có miền đất mới tiềm năng và đầy hứa hẹn./.

Theo Dân trí

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS