Chuỗi cung ứng lạnh đề cập đến việc quản lí nhiệt độ của các sản phẩm dễ hỏng để duy trì chất lượng và an toàn từ điểm sản xuất hoặc thu hoạch thông qua chuỗi phân phối đến người tiêu dùng cuối cùng. Dây chuyền cung ứng lạnh, trong đó chủ yếu là hệ thống kho lạnh đang đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển sản xuất, xuất nhập khẩu hàng thủy sản đông lạnh, rau quả tươi và hệ thống lưu thông phân phối hàng hóa của Việt Nam.
Kho lạnh góp phần vào việc đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; lưu trữ phân phối của siêu thị, nhà hàng, chuỗi thức ăn trên toàn quốc; lưu trữ bảo quản hạt giống phục vụ cho sản xuất nông nghiêp. Chuỗi cung ứng lạnh mang lại lợi ích thiết thực trong giảm chi phí sản xuất kinh doanh, gia tăng hiệu quả, giảm tổn thất cho các chuỗi cung ứng sản phẩm hàng hóa dễ hư hỏng. Không chỉ vậy, trong thời kì đại dịch như hiện nay, việc thị trường kịp thời có những giải pháp kho bãi đông lạnh đạt tiêu chuẩn lưu trữ vaccine, chế phẩm y tế, sinh học là rất cần thiết.
Tỷ lệ tổn thất trung bình đối với hàng hóa dễ hư hỏng ở Việt Nam hiện nay còn cao; đối với trái cây và rau quả, mức độ tổn thất có thể lên đến 35-45% và khoảng 25-30% đối với các sản phẩm thủy, hải sản. Tuy nhiên, quy hoạch kho lạnh chưa đồng bộ trên cả nước, mới đáp ứng được 30-35% nhu cầu, tập trung vào phục vụ xuất nhập khẩu.
Cả năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 41,2 tỷ USD, tăng 2,5% so với năm 2019. Trong đó, các mặt hàng nông sản chính ước 18,54 tỷ USD, giảm 0,5%. Thị trường hàng đông lạnh đang phát triển nhanh trong khu vực Đông Nam Á với dự kiến tăng lên 20 triệu USD giữa các nước lớn trong khu vực. Chi phí thuê kho dao động trung bình (0,85-1 USD/pallet/ngày). Theo khảo sát của Công ty CEL Consulting trong năm 2020, chỉ 8,2% nhà sản xuất cho thị trường nội địa áp dụng chuỗi lạnh, thấp hơn rất nhiều so với con số 66,7% của nhà xuất khẩu.
Hiện nay, Việt Nam đang cần đầu tư phát triển thêm kho lạnh. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đang đề nghị nhà nước cho vay vốn với lãi suất thấp để xây dựng các kho lạnh phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu hàng thủy sản.
Tính đến tháng 12/2019, cả nước có 48 kho lạnh với công suất 600.000 pallets. Trong đó miền Nam có 36 kho lạnh với công suất 526.364 pallets. Miền Trung có 1 kho lạnh với công suất 21.000 pallets và miền Bắc có 11 kho lạnh với công suất 54.780 pallets. Khoảng 80% kho lạnh được lấp đầy.
Tỷ lệ sử dụng kho mát thấp. Trong năm 2020, nhiều kho lạnh khác đang xây dựng, chưa đi vào hoạt động như: Kho Hùng Vương (Thaco) khoảng 60.000 pallet; AJ Total Long Hậu 32.000 pallet và AJ Total Hưng Yên 25.000 pallet. Emergent Cold Việt Nam và Preferred Freezer (Quận 7) vừa có quyết định sáp nhập với Lineage Logistics, tập đoàn lớn nhất thế giới về chuỗi cung ứng lạnh, như vậy ở Việt Nam, Lineage có 3 kho, 1 kho ở Khu Công nghiệp Sóng Thần 1 - Bình Dương, 1 kho ở Quận 7 và 1 kho ở VSIP Bắc Ninh.
Các nhà cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng lạnh hiện nay tập trung ở khu vực phía Nam do có nhu cầu cao, với 4 nhóm sở hữu: 48% do các công ty sản xuất nội địa, 24% do các công ty nước ngoài, 14% do các công ty logistics và các loại hình doanh nghiệp khác là 14%. Một số hội viên của Hiệp hội VLA phát triển hệ thống kho lạnh trong cả nước có Transimex, Gemadept, Tân Cảng Sài Gòn.
Vận tải lạnh là mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng đông lạnh. Cả nước có hơn 700 xe lạnh và 450 toa xe lửa chuyên chở container chở hàng lạnh. Công ty Ratraco hiện có 300 container lạnh, vận chuyển đa phương thức container lạnh trong nước và quá cảnh Trung Quốc đi nước thứ ba (Mông Cổ, Kazakhstan, Uzbekistan, Nga, Tajikistan, Ba Lan, Đức, Anh). Ratraco đã phát triển container lạnh chạy dầu diesel đưa đến tận nơi sản xuất của hàng rau quả.
Tiềm năng phát triển của dịch vụ kho bãi đông lạnh đang rất màu mỡ và cần sự đầu tư nhanh chóng, gia nhập thị trường của các doanh nghiệp mới và tiềm lực mạnh.