Doanh nghiệp Mỹ sẽ mất nhiều năm để có mạng lưới nhà cung cấp và nguồn nguyên liệu thô như các trung tâm sản xuất châu Á.
Các nhà nhập khẩu Mỹ đang tìm cách chuyển nguồn cung từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương sang Mexico và Mỹ Latin. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng chiến lược chuyển sản xuất về các quốc gia gần với thị trường tiêu thụ (nearshoring) có thể còn khiến họ gặp nhiều vấn đề hơn.
Họ sẽ phải tìm nhà cung cấp có đủ nguyên liệu, chất lượng sản xuất và mạng lưới phù hợp như hệ thống đã được thiết lập tại Trung Quốc hay Đông Nam Á. Các chuyên gia cho biết, việc tái lập năng lực đó và tái tạo nhóm nhà cung cấp theo chiến lược "về gần" sẽ mất nhiều năm.
Chuỗi cung ứng đứt gãy trong hai năm qua do ảnh hưởng của đại dịch đã khiến nhiều công ty phương Tây tìm cách chuyển hướng sản xuất về gần quê nhà. Động lực thúc đẩy dịch chuyển càng thêm mạnh mẽ khi tắc nghẽn khiến các cảng biển ùn ứ, các kệ hàng trống rỗng, các nhà máy ngừng hoạt động và hàng tỷ USD hàng hóa mắc kẹt trong các mạng lưới phân phối quá tải. Nearshoring được cho là sẽ giúp chuỗi cung ứng chống chịu tốt hơn với những cú sốc như vậy, bằng cách rút ngắn quy trình, giúp các lô hàng không bị gián đoạn và giảm chi phí.
Các nhà kinh tế của Nhà Trắng cho biết trong một báo cáo gần đây rằng nhiều thập kỷ chuyển hoạt động sản xuất sang các nước xa xôi đã khiến các chuỗi cung ứng trở nên "phức tạp và mong manh, các địa điểm trung tâm thiếu linh hoạt và ít sản phẩm thay thế".
Dịch chuyển chuỗi cung ứng đã xây dựng trong nhiều năm là một công việc phức tạp. Doanh nghiệp phải tính đến sự sẵn có và cách vận chuyển các nguyên liệu, linh kiện. Ed Barriball tại hãng tư vấn McKinsey & Co cho biết: "Khi chúng tôi nói chuyện với các công ty, nó vẫn nằm trong chương trình thảo luận của họ. Tuy nhiên, thực tế quá trình chuyển đổi có thể khó khăn".
Nguồn: https://vnexpress.net/cong-ty-my-kho-chuyen-san-xuat-ve-gan-nha-4461295.html