Chuyên gia nói về việc tái sử dụng container rỗng

29.07.2022

Trong bối cảnh thiếu container rỗng như hiện nay, việc tái sử dụng lại container rỗng như một giải pháp tối ưu, mang lại nhiều hiệu quả cho thị trường logistics.

Cắt giảm chi phí logistics 

Chiều ngày 19/7, tại hội thảo trực tuyến “Tầm quan trọng của việc tái sử dụng container rỗng” do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam đã diễn ra. Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký của Hiệp hội cho rằng việc tái sử dụng container rỗng không chỉ liên quan đến vấn đề của các doanh nghiệp vận tải, hãng tàu mà còn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong mục tiêu tối ưu nguồn chi phí hiện nay.

Ông cũng cho biết thêm, “Đối với các hãng tàu, việc tái sử dụng vỏ container rỗng sẽ giúp tăng hệ số sử dụng. Bởi trong giai đoạn gần đây, tình trạng khan hiếm vỏ container do tắc nghẽn các cảng trên toàn cầu đang diễn ra. Đối với các doanh  nghiệp, đặc biệt là chủ hàng, việc tái sử dụng container rỗng sẽ mang lại nhiều lợi ích tối ưu về vận tải hai chiều, cắt giảm nguồn chi phí vận tải và góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế chung của ngành logistics. Ngoài ra, đây cũng là giải pháp hiệu quả để cắt giảm phát thải cacbon”.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, ông lấy ví dụ: với quãng đường vận chuyển vỏ container là 100km, số lượng container là 20 triệu TEUs, như vậy doanh nghiệp chỉ cần tận dụng tối đa vỏ container rỗng 10% thì sẽ cắt giảm được 50kg CO2, tương ứng 2 triệu TEUs sẽ giảm 100 nghìn tấn CO2, đồng thời giảm thiểu sức ép lên hạ tầng giao thông một cách đáng kể.

Hình ảnh: Ông Nguyễn Duy Minh - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Duy Minh, bà Nguyễn Vũ Đan Khuyên - Giám đốc phát triển giải pháp sản phẩm Smartlog nhận định rằng: “Với nền tảng công nghệ phát triển như hiện nay, các nhà cung ứng, xuất nhập khẩu cùng lĩnh vực có thể kết nối với các doanh nghiệp vận tải để tối ưu hóa việc tận dụng container rỗng, cắt giảm bớt chi phí hoạt động và gia tăng lợi thế cạnh tranh mà khôn cần phải chờ đợi vỏ container.

Tại Việt Nam, do hoạt động tái sử dụng và trao đổi container rỗng còn khá mới mẻ nên chưa có nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia. Tuy nhiên, tại một số quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan thì mô hình tái sử dụng vỏ container đang được triển khai và hoạt động rất hiệu quả. Theo báo cáo tháng 6/2022 tại thị trường Thái Lan, số lượng trao đổi và tái sử dụng container ở mức 900 container/khách hàng.

Những hạn chế, bất cập và tiềm ẩn rủi ro

Trong bối cảnh hiện nay, việc tái sử dụng vỏ container rỗng khi giá xăng dầu trong nước tăng cao giúp doanh nghiệp cắt giảm được chi phí sản xuất và tố đa hóa lợi nhuận, Tuy nhiên, do mô hình tái sử dụng vỏ container rỗng tại Việt Nam còn chưa được phổ biến và áp dụng rộng rãi nên cũng còn tồn tại nhiều hạn chế và bất cập.

Bà Cao Thị Quỳnh Giao, Tổng Giám đốc Công ty Cảng Năng lượng Bình Dương cho biết, trong tương lai, mô hình tái sử dụng container rỗng này có thể làm thay đổi các depot. Hiện nay, các depot đang là nơi cấp phát, giám định, chứa, sửa chữa các container rỗng trước khi được giao cho các chủ hàng mới.

Trong trường hợp dùng mô hình tái sử dụng container rỗng thì luồng vận chuyển hàng hóa sẽ có nhiều thay đổi. Thay vì đưa vỏ container tới nơi để depot, giám định thì chủ hàng hóa có thể đưa các vỏ container rỗng này thẳng đến kho của khách đặt để đóng hàng.

“Một số chủ hàng hóa có nhiều loại hàng tương tự nhau sẽ thích sử dụng mô hình này, bởi không mất nhiều thời gian thu thập lượng vỏ container rỗng mà còn giảm thiểu được chi phí vận tải, kiểm soát được chi phí và thời gian. Theo thống kê cho thấy, chủ hàng hóa có thể tiết kiệm 14% nguồn chi phí khi tái sử dụng vỏ container rỗng”.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận tiện cũng gặp những hạn chế nhất định như bỏ qua quy trình kiểm tra, giám định dẫn đến nguy cơ làm hỏng hàng hóa nếu các vỏ container có vấn đề, khiến hàng bị nhiễm độ ẩm, nước biển xâm nhập.

Thông thường, cứ mỗi 5 năm, container phải tái kiểm tra định kỳ để xem xét khả năng có đủ điều kiện để đóng hàng hóa. Trong trường bỏ qua kiểm tra vỏ container đã tái sử dụng nhiều lần rất có khả năng bị mài mòn, các răng bị hở làm tăng nguy cơ thâm nhập của nước biển, nước mưa. Do đó, các vỏ container cần phải đảm bảo an tòa, đủ điều kiện vận chuyển, và các nhân viên kiểm tra, giám sát cần phải có hiểu biết và kiến thức chuyên môn để kiểm tra, bà Giao cho biết thêm.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Minh khuyến nghị, các chủ hàng hóa, đơn vị vận tải khi chấp nhận tái sử dụng vỏ rỗng, phải có nhận thức đúng đắn về quản lý rủi ro, cân nhắc  những hạn chế, khuyết điểm, tiềm ẩn của việc tái sử dụng vỏ container rỗng.

Bên cạnh đó, đào tạo đội ngũ nhân viên có kiến thức chuyên sâu để kiểm tra vỏ bằng mắt thường, hạn chế tối đa rủi ro hư hỏng hàng hóa. Các hãng tàu đóng hàng cũng cần có công tác quản lý, kiểm tra của các vỏ container rỗng để tránh tái sử dụng quá nhiều lần.

Đối với vấn đề pháp lý, các sàn kết nối và các hãng tàu cần có các phiếu biên nhận, tương đương biên bản giao nhận của các depot với chủ hàng.

“Do đây là mô hình mới được áp dụng tại Việt Nam, đề nghị Cục Hàng hải cần phải quan tâm tới khía cạnh pháp lý để đảm bảo quyền lợi cho những người tham gia”, ông Nguyễn Duy Minh bổ sung thêm.

Theo khảo sát, các doanh nghiệp hiện nay đa phần tái sử dụng vỏ container rỗng thông qua các phương thức truyền thống như các chủ hàng, công ty vận tải tự kết nối, liên hệ và xin phép các hãng tàu cho tận dụng các vỏ container rỗng.

Với cách làm này, thách thức lớn nhất của mô hình này là thiếu nguồn thông tin để các đơn vị, doanh nghiệp có cơ hội tái sử dụng vỏ cont. Do đó, thị trường cần thêm những nền tảng công nghệ hiện đại, tối ưu để nâng cao việc tái sử dụng vỏ container rỗng một cách hiệu quả.

Source: https://www.baogiaothong.vn/chuyen-gia-noi-ve-viec-tai-su-dung-container-rong-d559879.html

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS