Tìm hiểu các phương thức vận tải hàng hóa hiện nay

11.10.2023

Trong thời đại hiện đại, ngành vận tải đang trải qua một sự chuyển đổi đáng kể, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và sự thay đổi trong nhu cầu. Các phương thức vận tải cũng trở nên đa dạng và đa chiều, mang đến nhiều lựa chọn phù hợp nhu cầu sử dụng. Vậy các phương thức vận tải hiện nay có đặc điểm gì? Cùng ALS tìm hiểu chi tiết ngay sau đây nhé. 

I. Các phương thức vận tải hiện nay là gì, ưu điểm, nhược điểm?

Mỗi loại đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng, đáp ứng được nhu cầu và đặc điểm của từng loại hàng hóa và hình thức vận chuyển cụ thể.  

1. Vận tải đường bộ 

Theo quy định tại Khoản 30 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì Vận tải đường bộ được hiểu như sau:

Vận tải đường bộ là hoạt động sử dụng phương tiện giao thông đường bộ để vận chuyển người, hàng hóa trên đường bộ.

Vận tải đường bộ chủ yếu dùng các loại xe máy, xe tải nên rất linh hoạt trong quá trình vận tải hàng hóa, không phụ thuộc vào giờ giấc và không có quy định thời gian cụ thể nào mà chỉ cần các bên tự thống nhất thời gian cũng như có thể thay đổi trong quá trình vận chuyển. 

Ưu điểm: Vận tải đường bộ được đánh giá cao bởi tính cơ động cao nhất trong các phương thức vận chuyển. Có thể lựa chọn được phương tiện, số lượng hàng hóa hay tuyến đường theo yêu cầu. Vì thế hình thức này giúp tiết kiệm được chi phí và nhân công, trừ trường hợp vận chuyển đường dài có thể phát sinh thêm chi phí phụ.

Nhược điểm:  Như đã nói, nếu vận tải hàng hóa đường dài thường phải nộp thêm các khoản phụ phí đường bộ: trạm thu phí, phí nhiên liệu, phí cầu đường… Việc vận chuyển đường bộ cũng ẩn chứa nhiều rủi ro như tai nạn giao thông, kẹt xe… ảnh hưởng lớn đến hàng hóa và thời gian giao hàng. Khối lượng hàng hóa vận chuyển cũng hạn chế hơn nhiều so với đường thủy và đường sắt.

2. Vận tải đường biển và đường thủy nội địa

Vận tải đường biển hay vận tải biển là hình thức vận chuyển hàng hóa thông qua việc sử dụng cơ sở vật chất, hạ tầng đường biển nhằm phục vụ cho hoạt động vận chuyển. Tùy vào tuyến đường, loại hàng hóa, phương tiện vận chuyển là các tàu thuyền và phương tiện xếp, tháo gỡ hàng hóa như xe cần cẩu… Cơ sở hạ tầng để phục vụ cho vận tải đường biển bao gồm các cảng biển, các cảng trung chuyển…

Việt nam là quốc gia có đường bờ biển khá dài nên hình thức vận tải biển đang rất phát triển và được nhà nước đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất, phương tiện và hệ thống cơ sở hạ tầng. Từ đó thúc đẩy hoạt động thương mại, xuất - nhập khẩu hàng hóa trong nước, tiền đề giúp dịch vụ logistics trong nước phát triển mạnh mẽ.

- Tại Điều 13 Bộ luật Hàng hải 2015 quy định tàu biển là phương tiện nổi di động chuyên dùng hoạt động trên biển. Tàu biển quy định trong Bộ luật Hàng hải 2015 không bao gồm tàu quân sự, tàu công vụ, tàu cá, phương tiện thủy nội địa, tàu ngầm, tàu lặn, thủy phi cơ, kho chứa nổi, giàn di động, ụ nổi.

Ưu điểm: Phương tiện vận tải đường biển và đường thủy nội địa thường có khả năng vận chuyển hàng hóa có khối lượng lớn, đặc biệt là hàng siêu trường, siêu trọng. Chi phí vận tải thường thấp hơn so với các phương thức khác.

Nhược điểm: Tuy có điểm mạnh mạnh về khả năng vận chuyển lớn, nhưng thời gian vận chuyển bị trễ và phụ thuộc vào luồng tuyến biển. Hơn nữa, để sử dụng phương tiện này hiệu quả, cần có lượng hàng đủ lớn để điền đầy các tàu hoặc thuyền.

3. Vận tải đường sắt

Vận tải đường sắt là một phương tiện giao thông, một yếu tố thúc đẩy phát triển kinh tế, được sử dụng để vận chuyển hàng hóa cũng như vận chuyển hàng khách. Hệ thống vận chuyển bằng cách sử dụng đường ray và sử dụng các bánh xe bằng kim loại (thường là thép) gắn trên đường ray như đầu máy và các toa xe (Hệ thống này được gọi là một đoàn tàu). Vận tải đường sắt đã tồn tại từ lâu đời và được coi là một phương thức vận chuyển quan trọng trên toàn cầu.

Ưu điểm: Vận tải đường sắt thường có giá thành thấp và phù hợp cho việc vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn, đặc biệt là trên khoảng cách xa. Nó cũng có thể tiếp cận các khu vực công nghiệp và đô thị.

Nhược điểm: Tính cơ động của vận tải đường sắt không cao, và phụ thuộc vào hạ tầng đường sắt phát triển.

4. Vận tải hàng không

Vận tải Hàng không là việc sử dụng phương tiện vận tải bằng máy bay để vận chuyển hàng hóa từ nơi này đến nơi khác. Trong đó hàng hóa được đóng gói và chất xếp theo tiêu chuẩn của ngành hàng không. Việc vận chuyển được thực hiện bằng máy bay chở hàng chuyên dụng hoặc buồng chứa của máy bay vận tải hành khách.

Ưu điểm: Vận tải hàng không có ưu điểm về tốc độ nhanh, phù hợp cho vận chuyển hàng hóa có giá trị cao hoặc cần gấp. Nó có khả năng vượt qua khoảng cách xa trong thời gian ngắn.

Nhược điểm: Có chi phí vận tải cao. 

II. Vận tải đa phương thức là gì?

Vận tải đa phương thức (Multimodal transport) là vận chuyển hàng hóa được thực hiện bằng nhiều phương thức vận tải, nó còn được gọi là vận tải liên hợp (Combined transport).

Vận tải đa phương thức là hình thức vận tải mà hàng hóa được vận chuyển qua hai hoặc nhiều phương tiện vận tải khác nhau dựa trên một chứng từ vận tải đa phương thức. Có nghĩa là một lô hàng có thể trải qua một loạt các bước vận chuyển sử dụng các loại phương tiện khác nhau để đến đích cuối cùng. Ví dụ, một kiện hàng có thể được vận chuyển bằng đường bộ đến cảng, sau đó đưa lên tàu thủy để chuyển đến cảng tiếp theo. Và sau cùng được xếp lên toa tàu đường sắt để về đến nhà kho. Vận tải đa phương thức trở nên quan trọng trong khi sản phẩm thường trải qua nhiều công đoạn và địa điểm trước khi đến tay người tiêu dùng.

Mô hình vận tải đa phương thức phổ biến

  • Vận tải đường sắt và đường biển
  • Vận tải đường bộ và đường hàng không
  • Vận tải đường bộ và đường biển
  • Vận tải đường bộ và đường sắt
  • Giao thông đường bộ và đường sắt và đường thủy
  • Vận tải đường bộ-đường sắt-hàng không
  • Vận tải đường bộ-đường sắt-đường biển

Đặc điểm nổi bật của vận tải đa phương thức là việc quản lý và điều phối quá trình vận chuyển từ đầu đến cuối được thực hiện bởi một đơn vị duy nhất. Điều này giúp đảm bảo rằng hàng hóa không bị gián đoạn và không cần chờ đợi tại các điểm trung chuyển. Thường thì một vận đơn chở suốt được sử dụng thay vì cần một vận đơn riêng lẻ cho từng công đoạn vận tải.

Việc phát triển vận tải đa phương thức đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia có địa hình đa dạng, biên giới đất liền và bờ biển dài, như Việt Nam. Vì nó sẽ tối ưu hóa được quá trình vận chuyển hàng hóa và tăng cường hiệu suất kinh tế.

III. Vận tải xuyên biên giới có ý nghĩa như thế nào?

Vận tải xuyên biên giới (Cross - Border Transport) là vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới quốc tế bằng cách sử dụng đường bộ, đường hàng không hoặc đường biển.

Vận tải xuyên biên giới có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và thương mại quốc tế. Đây là hình thức vận tải mà hàng hóa có thể dễ dàng di chuyển qua các biên giới quốc gia, tạo sự kết nối giữa các thị trường và thúc đẩy hoạt động thương mại. Bằng cách này, vận tải xuyên biên giới không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận các thị trường mới mà còn tạo cơ hội cho sự hợp tác kinh tế và chính trị giữa các quốc gia.

Ngoài ra, việc phát triển vận tải xuyên biên giới cũng góp phần vào phát triển khu vực biên giới, tạo ra việc làm và cơ hội kinh doanh trong khu vực này. Đồng thời tối ưu hóa sử dụng nguồn lực và đóng góp vào việc phát triển ngành logistics của một quốc gia. 

Đặc biệt, đối với Việt Nam - một quốc gia có biên giới chung với nhiều quốc gia và bờ biển dài thì phát triển vận tải xuyên biên giới có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại và tối ưu hóa nguồn lực kinh tế. Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng vận tải và logistics xuyên biên giới là một ưu tiên trong phát triển kinh tế của Việt Nam trong tương lai.

Mong rằng với những chia sẻ của ALS, bạn đọc đã hiểu rõ hơn về các phương thức vận tải hiện nay. Mỗi phương thức vận tải sẽ có đặc điểm và ưu nhược điểm riêng. Cần phụ thuộc vào nhu cầu, tính chất hàng hoá, sử dụng để lựa chọn phương thức vận tải hợp lý nhất.

𝐀𝐋𝐒 – 𝐓𝐡𝐞 𝐋𝐞𝐚𝐝𝐢𝐧𝐠 𝐨𝐟 𝐀𝐯𝐢𝐚𝐭𝐢𝐨𝐧 𝐋𝐨𝐠𝐢𝐬𝐭𝐢𝐜𝐬  
Email: contact@als.com.vn
Hotline: 1900 3133
Website: https://als.com.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/als.com.vn

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS