Trung tâm đào tạo ALS với sứ mệnh nâng cao chất lượng nhân lực ngành logistics

20.01.2018

Trong 10 năm trở lại đây, ngành logistics hàng không tại Việt Nam đang tăng trưởng cao, đạt ngưỡng 15-20% /năm, trong khi con số tăng trưởng này của toàn thế giới là 3,4 - 4% (theo hiệp hội IATA ghi nhận). Cơ hội cho thị trường logistics hàng không phát triển cũng sẽ là sự khó khăn trong việc đáp ứng nguồn lực hiếm và chọn lọc cho ngành dịch vụ này.

Theo quy định của nhà chức trách hàng không các nước sở tại, cũng như quy định của các hãng hàng không, đại diện là hiệp hội IATA, các đơn vị kinh doanh dịch vụ logistics hàng không bắt buộc phải đặt ra những điều kiện nghiêm ngặt về nguồn lực bao gồm cơ sở hạ tầng và con người. Theo con số thống kê có được từ Cục hàng không Việt nam, nhân viên phục vụ hàng không trực tiếp tại Việt Nam là khoảng 420,000 lao động, trong đó ngành hàng hóa chiếm 25% lực lượng lao động. 

Đây là những lao động đặc thù, để đảm bảo được phép làm việc, họ phải có đủ các chứng chỉ ngành nghê quy định. Căn cứ vào các tiêu chuẩn quy định tại Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng, thì trung bình mỗi lao động phải tốn ít nhất 0,5 tháng đào tạo hàng năm cho các khóa đào tạo bắt buộc bao gồm cả đào tạo mới và đào tạo định kỳ. Như vậy nhu cầu đạo tạo của ngành logistics hàng không là rất lớn. Kể từ năm 1995, khi ngành logistics hàng không bắt đầu được đặt nền móng và chú trọng phát triển, các khóa đào tạo này chủ yếu được thực hiện tại trung tâm đào tạo của IATA đặt tại Singapore, Canada, Thụy Sỹ . 

Chi phí cho công tác đào tạo là rất lớn và không chủ động được về thời gian. Năm 1999, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã hình thành Trung tâm Đào tạo của Việt Nam để đảm bảo đáp ứng nhu cầu đào tạo của ngành. Tuy nhiên, từ năm 2005 đến nay, với sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành logistics hàng không, nhu cầu đào tạo đã vượt xa rất nhiều so với nguồn cung trên thị trường.

Nắm bắt cơ hội này, Trung tâm đào tạo của ALS đã ra đời vào năm 2014, với mục đích ban đầu là hỗ trợ hệ thống ALS với hơn 1000 lao động, đảm bảo được tính chủ động trong công tác đào tạo và tiết kiệm chi phí. Đây là Trung tâm Đào tạo đầu tiên của ngành hàng hóa tại miền Bắc Việt Nam được Cục HKVN công nhận. Mỗi năm ALS tổ chức hàng trăm khóa đào tạo với hàng nghìn lượt học viên. Nội dung bài giảng được cập nhật liên tục, ngày một đa dạng, thiết thực hơn với phương châm “chất lượng làm nên thương hiệu”.

Với nền tảng là đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm thực tế đang làm việc trong ngành, giáo trình đổi mới, cập nhật thường xuyên theo các quy định của nhà chức trách (CAAV, IATA, ICAO) để phù hợp với chính công việc của hệ thống ALS, Trung tâm Đào tạo ALS đã tạo ra những giá trị vô hình, giúp ALS đứng vững và phát triển trong ngành logistics hàng không. Không dừng lại ở đào tạo chứng chỉ của Cục HKVN, Trung tâm Đào tạo ALS đã được IATA công nhận trở thành Cơ sở đào tạo Hàng hóa Nguy hiểm của IATA đặt tại Việt Nam IATA Accredited Training Shool kể từ ngày 01/01/2018. Đây là cơ sở thứ 2 tại Việt Nam được IATA công nhận. Đến với các khóa học của ALS, học viên được cấp chứng chỉ của IATA mà không cần phải ra nước ngoài. Nhưng điều đặc biệt hơn ở đây, ngoài việc học và thi theo đúng nội dung IATA kiểm soát, học viên được thực hành công tác phục vụ hàng hóa nguy hiểm ngay tại ga hàng của ALSC. Trao đổi với đại diện Cục HKVN, người phụ trách vấn đề vận chuyển hàng DGR, đại diện của IATA, người trực tiếp chủ trì hội thào DGR 2017 diễn ra ngày 13/11/2017 tại Ga hàng hóa ALSC, ALS đã nhận được những lời khen ngợi tích cực về chất lượng và hiệu quả đào tạo.

Chứng chỉ công nhận ATTS của IATA cấp cho ALS

Thế mạnh của Trung tâm đào tạo ALS là đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết phục vụ cho công việc thực tế - Không lý thuyết suông, không sách vở. Giảng viên của ALS không phải là những “giáo sư bàn giấy” mà là các cán bộ đã và đang trực tiếp công tác tại đơn vị. Họ là những người bám sát guồng chảy công việc và hiểu rõ mỗi vị trí cần trang bị kiến thức như thế nào đặc biệt là đối với các khóa ”Hàng hóa cơ bản”, “An ninh hàng không” và “Hàng nguy hiểm”. ALS tự tin nói rằng chỉ sau một chương trình đào tạo cơ bản, các học viên đã được cung cấp đầy đủ các kiến thức và chứng chỉ nghề để có thể làm việc trong ngành logistics hàng không tại một số vị trí quan trọng trong chuỗi logistics hàng không .

Đào tạo thực hành trong Khóa học CAT6 cấp chứng chỉ IATA diễn ra từ ngày 15-20/1/2018

Bên cạnh các khóa học chuyên môn, ALS còn cung cấp một hệ thống các khóa kỹ năng mềm giúp người học có đa dạng sự lựa chọn nhằm phát huy tối đa năng lực bản thân như: Các khóa học về giải quyết vấn đề, quản lý thời gian hiệu quả, quản trị công việc, chăm sóc khách hàng,…

Chắc chắn rằng, trong thời gian tới, trung tâm đào tạo ALS sẽ ngày càng lớn mạnh, là địa chỉ tin cậy cho các đối tác gửi gắm công tác đào tạo, nâng cao vị thế của Việt Nam với các tổ chức quốc tế.  

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS