Sân bay Chu Lai: Xây dựng trở thành trung tâm logistics hàng không đầu tiên của cả nước

25.02.2017

Hướng tới cảng hàng không quốc tế

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, sân bay Chu Lai được Mỹ xây dựng từ trước năm 1975 và bỏ hoang sau chiến tranh. Năm 2004, Quảng Nam tái khai thác và hoạt động hàng không tại đây phát triển mạnh mẽ. Năm 2015, lượng khách qua sân bay Chu Lai chỉ 155.000 lượt thì năm 2017 lên đến 673.000 lượt. Sân bay Chu Lai đang được các hãng Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific khai thác các đường bay đi TP HCM và Hà Nội với tần suất 8 chuyến/ngày, cao điểm đạt 15 chuyến/ngày. "Hiện nay và trong thời gian ngắn sắp tới, dự báo nhu cầu đi lại của cán bộ, nhân dân, doanh nhân trên địa bàn 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi qua sân bay Chu Lai tăng rất nhanh, nhà ga hiện tại không thể đáp ứng" - ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhìn nhận.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết theo quy hoạch đến năm 2030, sân bay Chu Lai sẽ thành trung tâm vận chuyển, dịch vụ hàng không quy mô lớn nhất khu vực. Định hướng của địa phương sẽ phát triển Chu Lai thành sân bay quốc tế. Chính phủ cũng đã đồng ý quy hoạch tổng thể sân bay này trở thành trung tâm vận chuyển và dịch vụ hàng không của thế giới với tần suất 5 triệu khách/năm và 4,1 triệu tấn hàng hóa/năm vào năm 2030. Một điều rất thuận lợi là khu vực sân bay Chu Lai hiện còn hơn 2.000 ha đất sạch, bằng phẳng.

"Với diện tích 2.300 ha và có thể mở rộng thêm hơn 3.000 ha, sân bay Chu Lai hội tụ đầy đủ các điều kiện để trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp hàng không. Bởi theo nghiên cứu, trong bán kính 3.000 km, lấy sân bay Chu Lai làm tâm thì nó bao phủ hết tất cả các vùng năng động trong khu vực Đông Nam Á và Nam Á như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore... Người ta tính cự ly đó là cự ly rất đặc biệt để trung chuyển hàng hóa, sửa chữa, bảo dưỡng máy bay hạng nặng. Với diện tích đó có thể phát triển thêm ngành công nghiệp chế biến, chế xuất hàng không, còn gọi là logistics hàng không. Hiện Việt Nam mới chỉ có logistics hàng biển và chúng tôi muốn xây dựng sân bay Chu Lai ở một tầm vóc lớn hơn, trở thành trung tâm logistics phát triển ngành công nghiệp xuất khẩu bằng đường không" - ông Thanh kỳ vọng.

Nhìn nhận tiềm năng lớn của sân bay Chu Lai, Bộ trưởng GTVT thống nhất giao Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết. "Với hơn 2.000 ha, chúng ta phải làm gì ở đây để ngoài việc phát triển hàng không còn phát triển công nghiệp phụ trợ, các lĩnh vực liên quan, kể cả có thể hình thành khu kinh doanh phi thuế quan. Phải làm sao có thể phát triển được toàn bộ hơn 2.000 ha này để tạo động lực cho Quảng Nam. Cục Hàng không Việt Nam phải phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Quảng Nam để có kế hoạch tốt nhất, khai thác cảng hàng không Chu Lai hướng tới là cảng hàng không quốc tế, một cửa ngõ hàng không để đi các nước trên thế giới mà không phải ra Đà Nẵng hay TP HCM" - ông Thể yêu cầu.

Theo báo Người lao động

Các bài viết khác

Nhận hỗ trợ & tư vấn

Đặt lịch hẹn tư vấn cùng với chuyên gia của ALS